Năm năm ngủ quên và cuộc gặp gỡ bước ngoặt
Thất bại của SH Communications là một đòn mạnh giáng vào lòng tự tin của tôi. Dù thất vọng, tôi cũng hiểu rằng ở thời điểm đó, các doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng cho dịch vụ này. Mỹ vừa bỏ cấm vận được hai năm, các doanh nghiệp mới đặt chân vào Việt Nam cần các dịch vụ tư vấn để “mở cửa thị trường” như pháp lý, đầu tư hoặc vận động hành lang (lobby) hơn là những dịch vụ quảng bá cho hình ảnh hay thương hiệu. Các bạn tôi, những người từng chia sẻ ước mơ “lập công ty PR đầu tiên ở Việt Nam” với tôi cũng đã tìm thấy niềm vui mới. Vũ bắt đầu vào làm việc ở Thời báo Kinh tế Việt Nam, Hòa lăn lộn suốt ngày để bán những vại sứa biển đầu tiên sang Nhật. Thiểu chỗ dựa về mặt tinh thần của những người cùng chí hướng, tôi cảm thấy hứng thú của mình với nghề PR nhạt đi rất nhiều.
Suốt năm năm tiếp theo, tôi yên lòng đi học, rồi được nhận vào làm việc ở bộ phận Thương mại và Đầu tư của Bộ Thương mại tiểu bang Oklahoma (Hoa Kỳ). Khi Oklahoma trở thành tiểu bang đầu tiên của Mỹ mở văn phòng thương mại ở Việt Nam, tôi trở thành chuyên viên thương mại và đầu tư của văn phòng, rồi sau đó được cử làm Giám đốc Văn phòng đại diện. Sở hữu một văn phòng riêng, một ô-tô riêng với một phụ tá, tôi có một mức lương thuộc hàng “khủng khiếp” so với thời đó, và ngày tháng nhẹ nhàng trôi đi, với một công việc cực kỳ nhàn hạ. Tôi dành thời gian chủ yếu để tham gia vào các diễn đàn thảo luận bắt đầu manh nha trên Internet ( cái biệt hiệu Sơn Ô Kê bắt đầu từ khi đó), viết những bài viết phê bình văn học đầu tiên của mình và…chơi game.
Trong lúc đó, thị trường PR bắt đầu có những chuyển động đầu tiên. Tại thành phố Hồ Chí Minh, công ty M. được thành lập và bắt đầu gây dựng được tên tuổi. Ở Hà Nội, công ty G. cũng chuyển dần các hoạt động tư vấn đầu tư “mở cửa thị trường” sang cung cấp các dịch vụ quan hệ công chúng. Mặc dù khá sốt ruột- và cả đôi chút ghen tị- khi nhìn thấy sự phát triển của thị trường, nhưng do quá thỏa mãn với công việc nhàn nhã của mình, tôi cứ mặc kệ.
Những năm đó, tôi bỏ khá nhiều thời gian lang thang trên mạng Internet. Một lần, trong khi dạo chơi trên mạng, tôi gặp chủ nhân của trang mạng vietnamonline.com, Douglas Thompson. Là chủ nhân của một công ty tổ chức sự kiện, nhưng cũng giống như một số người Mỹ ngây thơ khác của kỷ nguyên “dot com”, Douglas nhanh tay đăng ký tên miền vietnamonline.com (lúc đó AOL- AmericanOnline đang sừng sững như một tượng đài) với hi vọng có thể bán cho chính phủ Việt Nam hoặc một công ty Việt Nam nào đó sau này. Sau vài lần trao đổi trên mạng, Douglas nói với tôi anh ấy sẽ sang Việt Nam và hỏi tôi có cần gì không. Tôi vui miệng nói tôi nhớ rượu vang của vùng thung lũng Napa, đặc biệt là loại Beringer. Tôi không ngờ hai tuần sau, khi xuất hiện ở Việt Nam, Douglas khệ nệ mang tới cho tôi một thùng sáu chai rượu vang, đúng loại Beringer mà tôi thích. Cảm động vì sự chu đáo của một người hoàn toàn chưa quen biết, tôi hỏi tôi có thể giúp được gì cho anh ấy trong thời gian ở tại Việt Nam. “Nếu được, có thể bảo lãnh cho mình một visa xuất nhập cảnh nhiều lần không? Thủ tục làm visa của Sứ quán Việt Nam phức tạp quá, mà mình dự định sẽ còn sang Việt Nam nhiều”-“Không vấn đề gì”-tôi trả lời-“Tôi sẽ xin cho cậu một visa một năm, xuất nhập cảnh nhiều lần” (đã từng phụ trách việc quản lý các đoàn thương nhân ra vào Việt Nam từ Mỹ, tôi có nhiều người quen ở Cục Xuât Nhập Cảnh, nên việc mà Douglas nhờ hoàn toàn nằm trong lòng bàn tay
Một năm sau, Douglas sang Việt Nam, lần này có vẻ khá huyền bí. Anh lại mang sang cho tôi một thùng rượu vang, và thổ lộ anh đang có một thách thức lớn. “Mình phải tổ chức một sự kiện, nhưng một sự kiện rất đặc biệt, bởi vì mình sẽ phải tổ chức sự kiện cho những người chuyên đi tổ chức sự kiện”- anh nói. Khi nghe anh trình bày ý tưởng của mình, tôi phát hoảng. “Không được đâu, tôi chịu, không thể xin phép được”-tôi nói.”Ít nhất cậu có thể thử được không, vì mình một lần thôi”. “Thôi được”-tôi đầu hàng-mình sẽ thử”
Ở thời điểm đó, ý tưởng của Douglas thật “ngông cuồng”, nếu không nói là khá “báng bổ”. Anh ấy muốn tôi xin phép Bộ Văn Hóa để có thể sử dụng Văn Miếu trong một đêm cho việc tổ chức buổi dạ tiệc thứ nhất, thuê Nhà hát Lớn để tổ chức buổi dạ tiệc thứ hai (“nhưng tớ muốn đưa bàn tiệc lên sân khấu, còn ban nhạc sẽ chơi từ hàng ghế khán giả chứ tớ không muốn làm trong phòng Gương”), còn buổi thứ ba sẽ làm ở nhà hát múa rối nước Thăng Long. Vận dụng tất cả các mối quen biết của tôi (thậm chí của cả bố tôi ở Bộ Văn Hóa Thông tin), cuối cùng tôi cũng thu xếp ổn thỏa. Được mời như khách danh dự của cả ba bữa tiệc, lần đầu tiên tôi thấy tài năng “tổng chỉ huy” của Douglas trong một sự kiện thực sự đẳng cấp.
Tôi rất ngạc nhiên khi ngày hôm sau Douglas gọi cho tôi, giọng có vẻ khá hồi hộp. “Sự kiện rất thành công, khách hàng của mình cực kỳ hài lòng. Họ muốn gặp người đã giúp mình tổ chức sự kiện này. Cậu có thể qua khách sạn Metropole gặp sếp của họ được không?”.
Vốn chẳng bao giờ quá bận rộn, tôi đồng ý “tớ sẽ qua”. Tôi không biết rằng, tôi sẽ gặp một người khiến cho sự nghiệp của tôi thay đổi hắn.
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp Miles Young, chủ tịch vùng châu Á Thái Bình Dương của tập đoàn Ogilvy là nụ cười hết sức thân thiện của ông. Cao gần hai thước, ông tốt nghiệp đại học Oxford ngành Lịch sử, nhưng lại nhanh chóng trở thành một trong những người nổi tiếng nhất ở vùng châu Á Thái Bình Dương trong lĩnh vực quảng cáo và truyền thông. Trong suốt mười năm tiếp theo, ông sẽ là người thầy, người truyền cảm hứng, người bảo trợ đồng thời là một trong những người bạn tốt nhất của tôi. Nhưng trong buổi gặp đầu tiên-chúng tôi cùng ăn trưa ở Câu lạc bộ báo chí-tôi và Miles chủ yếu nói về nghệ thuật đương đại của Việt Nam, và hiểu biết của ông về hội họa Việt Nam có thể khiến cho bất kỳ nhà phê bình nghệ thuật Việt Nam thấy xấu hổ. Khi chúng tôi bắt đầu chuyển sang uống cà phê, ông đột ngột hỏi “Việt Nam chắc sẽ là một thị trường rất tốt về quan hệ công chúng, tại sao anh không thử mở một công ty về quan hệ công chúng?”. Vui chuyện, tôi kể cho Miles Young nghe về SH Communications và thất bại đầu đời của tôi. “Nếu như bây giờ thành lập lại công ty, và chúng tôi sẽ chia sẻ với anh về kinh nghiệm, kiến thức và cách điều hành nó, liệu anh có tự tin là nó sẽ thành công hay không?”
Đêm về, tôi suy nghĩ rất lung về điều đề nghị của ông Miles Young. Ở thời điểm đó, rất nhiều công ty “săn đầu người” đã liên hệ với tôi để chiêu dụ tôi về làm việc tại các công ty đa quốc gia khác, nhưng khi biết về mức lương hiện tại của tôi ở Bộ Thương mại bang Oklahoma, họ tự động rút lui. Tôi đang có một cuộc sống thú vị, nhàn hạ và vui vẻ.Tại sao phải “ôm rơm rặm bụng”, tại sao phải đối mặt với một đống thách thức về quản lý, điều hành trong khi tôi có thể dành thời gian đó để đọc sách, nghe nhạc, la cà ở các quán bar hay quán cà phê, một cuộc sống như tôi đang tận hưởng. Nhưng không hiểu sao, sự phấn khích về việc thực hiện ước mơ của mình khi còn sinh viên, ý tưởng về việc điều hành một công ty PR -có thể không còn là “công ty PR đầu tiên của Việt Nam nữa”- của riêng mình lại thôi thúc tôi nhận lời với Miles Young (trung thực ra mà nói, quyết định của tôi còn bị ảnh hưởng bởi một yếu tố khác nữa. Cũng thời điểm đó, Bộ Thương mại bang Oklahoma thông báo, do thay đổi trong luật của tiểu bang, họ không còn có thể thuê người nước ngoài làm việc cho cơ quan chính quyền tiểu bang nữa, và họ đề nghị tôi làm việc dưới dạng “nhà thầu”. “Thay đổi này hoàn toàn chỉ mang tính hình thức”-họ thuyết phục tôi-“mọi quyền lợi của anh vẫn được giữ nguyên. Anh còn toàn quyền kiểm soát ngân sách của tiểu bang dành cho văn phòng thương mại, nên thực ra là còn có lợi hơn cho anh nữa”. Tất nhiên, họ không đề cập đến chi tiết quan trọng nhất, đó là bảo hiểm và lương hưu của tôi sẽ không còn được đảm bảo)
Và đó là sự khởi đầu của T&A…
Những bài học tôi muốn chia sẻ
Có một câu chuyện mà tôi nhớ mãi. Khi đang làm việc tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một đồng nghiệp của tôi, người tôi rất khâm phục về trình độ chuyên môn và ngoại ngữ, quyết định nghỉ việc. Vào thời điểm đó, cơ quan Phòng Thương mại và Công nghiệp được coi là một trong những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam: lương và “bổng” cao, cơ hội đi nước ngoài nhiều, “oai”…cho nên tôi rất ngạc nhiên. Khi tôi hỏi tại sao anh ấy lại quyết định ra đi, thay vì trả lời, đồng nghiệp của tôi kể cho tôi nghe một câu chuyện ngụ ngôn. Một năm, trời làm hạn hán. Muôn vật đều khát khô cổ, đổ xô đi tìm nước. Có một con ếch tìm thấy một nồi nước, nó nhẩy vào nằm trong đó và khoan khoái nghĩ thầm: mát quaaaá! Mọi người đang thật đau khổ, còn mình thì sung sướng thế này đây. Nó không biết rằng người ta đang châm lửa đun nồi nước. Một lúc sau, nó thấy nước nóng dần lên, nhưng nó tự nhủ: có hơi nóng một tý thật, nhưng dù sao cũng tốt chán, còn hơn khối người không có cả nước nóng mà tắm. Nồi nước cứ nóng dần, và cuối cùng nó thành con ếch luộc. Đồng nghiệp của tôi kết luận: “Ở lại đây, tao mãi mãi chỉ là một thằng phiên dịch lẻo mép mà thôi. Phòng Thương mại cũng hay đấy, nhưng nước đang nóng lên, và tao không muốn thành con ếch luộc.” Thực tế cho thấy anh ấy đã nói đúng.
Ngày 1 tháng 6 năm 2011, bà Sandy Pratt, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại bang Oklahoma gọi điện thông báo vì lý do ngân sách, Bộ Thương mại tiểu bang “giải phóng” tôi khỏi chức vụ đại diện thương mại tại các nước ASEAN, chức vụ tôi đảm nhiệm suốt mười lăm năm qua. Trong mười lăm năm làm việc của mình, tôi đã « vượt qua » ba đời thống đốc (Frank Keating, Brad Henry và nay là Marry Falin), sáu đời Bộ trưởng Thương mại. Hầu hết các đồng nghiệp của tôi hoặc đã nghỉ hưu, hoặc đã ra đi tìm công việc mới. Nếu không có cuộc gặp gỡ với ông Miles Young, thông báo ấy chắc sẽ tạo cho tôi một cú sốc, bắt tôi phải đối mặt với cái mà người ta gọi là “khủng hoảng tuổi trung niên”- đứng giữa ngã ba đường, quá trẻ để nghỉ hưu, và có lẽ, quá già để bắt đầu một cái gì đó mới mẻ và thú vị- một “con ếch luộc” đúng nghĩa của nó. Còn hiện nay, sau mười năm chính thức quay lại với quan hệ công chúng, tôi đã cùng với các đồng nghiệp của mình thực hiện được ước mơ từ thủa sinh viên. Từ một công ty nhỏ, bắt đầu với bốn người (ba quản lý và một nhân viên) chúng tôi đã trở thành một trong những công ty quan hệ công chúng lớn nhất Việt Nam, với gần tám mươi chuyên gia làm việc cho hơn bốn mươi thương hiệu hàng đầu thế giới, và số tiền phí hàng năm thu được lên đến nhiều triệu đô-la.
Trong một số buổi nói chuyện về phát triển sự nghiệp, nhiều bạn trẻ hỏi tôi về bí quyết của, tạm gọi là, thành công của T&A. Thường thường, tôi thực sự rất lúng túng, vì với tôi, chẳng hề có bí quyết gì, hay nói cho đúng hơn, bất kỳ ai cũng có thể nói cho bạn bí quyết ấy: yêu công việc mình làm và chuẩn bị sẵn sàng để nắm bắt cơ hội khi nó đến.
Tôi luôn luôn nghĩ, để thành công, bạn phải yêu thích công việc của mình. Khách hàng của tôi, một cô gái trẻ quản lý một doanh nghiệp gia đình trị giá hàng trăm triệu đô-la có thể làm việc mười sáu tiếng đồng hồ một ngày, bảy ngày một tuần, ba trăm sáu mươi lăm ngày một năm. Khi được hỏi, cô dành đâu thời gian cho nghỉ ngơi, giải trí hay đi tìm niềm vui cho mình, cô trả lời “với tôi công việc là nghỉ ngơi, giải trí và cũng là niềm vui”. Giống như cô, trong suốt nhiều năm, tôi có thể làm việc liên tục suốt ngày suốt tuần mà không thấy mệt mỏi, bởi vì khi được làm cái mà mình yêu thích, công việc không còn là “công việc”, nó chính là cách bạn giải trí hay nghỉ ngơi. Khi yêu công việc của mình, bạn luôn muốn làm nó một cách hoàn hảo nhất, tốt đẹp nhất, và mong muốn đó thúc đẩy quá trình tự học, tự hoàn thiện qui trình làm việc hay kỹ năng quản lý của bạn.
Tôi cũng cho rằng, nếu bạn đã yêu quí một công việc nào đó, xác định nó là sự nghiệp của mình, thì nói nhân vật Quềnh, “đừng hoãn cái sự sung sướng đó lại”. Nhiều khi tôi tự hỏi, nếu như tôi không bỏ phí năm năm, nếu như trong năm năm đó, tôi chấp nhận rủi ro và thách thức, kiên trì theo đuổi sự nghiệp của mình, liệu tôi có thể về đích sớm hơn năm năm được không? Tôi tin là có, tôi tin rằng, nếu ngày đó, tôi chấp nhận rời bỏ “nồi nước” mát mẻ ở Bộ Thương mại bang Oklahoma sớm hơn, chắc chắn vị thế của T&A hiện nay sẽ còn khác nữa. Nhưng cũng còn may là tôi kịp tỉnh ngộ. Đánh mất năm năm vẫn còn rẻ hơn đánh mất ước mơ của mình.
Buổi gặp gỡ và nói chuyện với ông Miles Young là một cơ hội hiếm có đối với tôi. Nhưng thực ra, nếu không có buổi nói chuyện ấy, tôi vẫn tin rằng, còn rất nhiều cơ hội trong cuộc sống cho những người theo đuổi sự nghiệp của mình. Các cơ hội, cơ may không thiếu, điều quan trọng là bạn phải được chuẩn bị tốt để nắm ngay lấy cơ hội đó và tận dụng nó
Và điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ là: hãy giúp đỡ một cách bất vụ lợi cho những người bạn gặp ngẫu nhiên hàng ngày. Đó chính là những hạt mầm bạn gieo cho tương lai, những hạt mầm sẽ cho bạn thu hoạch ở lúc bất ngờ nhất. Tôi và Douglas trở thành bạn thân trong suốt những năm tháng qua, và có lần tôi hỏi làm thế nào tôi có thể cám ơn anh ấy vì đã giới thiệu Miles Young và tập đoàn Ogilvy cho tôi. “Nhớ đấy”- anh ấy nói-“hàng năm, cậu nợ mình một cái visa”. “Nhớ rồi, loại mười hai tháng, xuất nhập cảnh nhiều lần”- và chúng tôi cười phá lên.
(sưu tầm )
0 nhận xét:
Đăng nhận xét